Bà bầu uống sữa đậu nành có tốt không?

Không ai phủ nhận giá trị dinh dưỡng cực kì dồi dào trong đậu nành, với thành phần bao gồm khoảng 40% protein với hầu hết các loại amino axit cần thiết, 12 - 20% chất béo, 8% nước và khoảng 5% chất vô cơ cùng các loại sinh tố khoáng chất phong phú.
Đậu nành thậm chí nhiều dưỡng hơn cả thịt động vật bởi trung bình, trong 100gr đậu nành chứa tới: 165mg canxi, 12mg sắt, 34gr protein và tới hơn 400calo - trong khi 100gr thịt bò chỉ chứa khoảng: 10mg canxi, 2.7mg sắt, 21gr protein và 160calo. Ngoài ra, trong đậu nành cũng khá giàu vitamin A, vitamin D, riboflavin và vitamin B12 cũng 1 lượng chất xơ đáng kể.
Theo đó, sử dụng đậu nành khi mang thai có thể mang đến cho bà bầu 1 nguồn dinh dưỡng phong phú để thai nhi phát triển tốt nhất. Đậu nành cũng giúp kiểm soát lượng đường máu và giảm tình trạng táo bón nhờ lượng chất xơ dồi dào. Đặc biệt, sử dụng đậu nành giúp ngăn ngừa tình trạng loãng xương, giảm nguy cơ sinh non, nhẹ cân ở thai nhi.
Đậu nành thường được sử dụng phổ biến nhất khi chế biến thành sữa đậu nành thơm ngậy, dễ uống. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng tuy sữa đậu nành mang đến nhiều dưỡng chất tốt, bà bầu vẫn không nên sử dụng bởi isoflavone - một chất có hoạt tính estrogen chứa trong đậu nành có thể ảnh hưởng tới giới tính của thai nhi.

Bà bầu có nên uống sữa đậu nành?
Để trả lời cho câu hỏi "bà bầu có nên uống sữa đậu nành hay không?", trước hết chúng ta hãy tìm hiểu về isoflavone - hợp chất chứa trong đậu nành có công thức hóa học tương tự kích thích tố nữ estrogen. Người ta cho rằng "nạp" quá nhiều hợp chất này có thể gây ảnh hưởng đến giới tính của thai nhi trong bụng do sự dư thừa kích thích tố estrogen.
Các nhà nghiên cứu khẳng định chưa có một bằng chứng nào chứng minh được là estrogen trong đậu nành có ảnh hưởng tới đến sinh sản của các bé trai, càng không thể làm teo tinh hoàn hay gây vô sinh như nhiều người nghĩ.
Theo nghiên cứu mới vào năm 2001 của tiến sĩ Daniel Doerge và các đồng nghiệp cho biết, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chất isoflavone có trong đậu nành được hấp thụ qua nhau thai người. Và năm 2002, nghiên cứu của tiến sĩ Thomas Badger được đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng Mỹ cho biết nghiên cứu trên những trẻ em sử dụng sữa công thức làm từ đậu nành (những đứa trẻ được coi là sử dụng nhiều sữa đậu nành nhất so với trẻ em khác tại Mỹ) cũng không thấy bất cứ dấu hiệu có hại nào tới sức khỏe của chúng.
Như vậy các mẹ có thể hoàn toàn yên tâm khi lựa chọn sữa đậu nành là thức uống hằng ngày của mình, nhất là những mẹ không uống được các loại sữa khác hoặc bất dung nạp latose. Nó không chỉ tốt cho sức khỏe của mẹ mà bé cưng trong bụng cũng được hưởng rất nhiều lợi ích. Ngoài ra, đậu nành còn có thể ngăn ngừa đáng kể nguy cơ gây ung thư vú ở phụ nữ.

Post a Comment